Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam

Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam

Các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường chứng khoán có thể được chia thành 4 nhóm sau: chủ thể phát hành, chủ thể đầu tư, các tổ chức cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý giám sát thị trường.

Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam

a, Chủ thể phát hành

Chủ thể phát hành là người cung cấp các chứng khoán - hàng hóa của thị trường chứng khoán. Đây là những người cần tiền và huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán và bán cho những nhà đầu tư hoặc những người kinh doanh chứng khoán. Các chủ thể phát hành bao gồm: Chính phủ, các doanh nghiệp và một số tổ chức khác như: các quỹ đầu tư; tổ chức tài chính trung gian...

Chính phủ và chính quyền địa phương: Là chủ thể phát hành các chứng khoán:

Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu địa phương, Trái phiếu công trình, Tín phiếu kho bạc. Nhà nước tham gia TTCK chủ yếu với tư cách là người vay nợ.

+ Chính phủ: Đại diện là Bộ Tài chính hoặc Kho bạc Nhà nước phát hành các loại trái phiếu kho bạc nhằm mục đích tìm vốn tài trợ cho những công trình lớn thuộc cơ sở hạ tầng, phát triển sự nghiệp văn hóa giáo dục, y tế hoặc bù đắp thiếu hụt ngân sách Nhà nước.

+ Chính quyền địa phương: Ở nhiều nước, chính quyền bang, tiểu bang hoặc cấp tỉnh cũng được phép phát hành trái phiếu địa phương để vay nợ nhằm huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để hấp dẫn những người đầu tư mua trái phiếu địa phương, một số nước đã có chính sách miễn thuế lợi tức đối với trái phiếu địa phương.

- Các doanh nghiệp: Là chủ thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu công ty. Tùy theo quy định của Luật Chứng khoán của mỗi nước mà các công ty được quy định hình thức và tiêu chuẩn phát hành khác nhau.

Ở Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, có các loại hình doanh nghiệp sau:

+ Công ty TNHH;

+ Công ty cổ phần;

+ Công ty hợp danh;

+ Doanh nghiệp tư nhân.

Trong số các loại hình doanh nghiệp trên, công ty TNHH không được phép phát hành cổ phần (theo điều 38 Luật Doanh nghiệp 2005), còn công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn (điều 77 Luật Doanh nghiệp 2005).

- Quỹ đầu tư: Quỹ đầu tư là một tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác. Các quỹ đầu tư thường phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đầu tư mà không được phép phát hành trái phiếu hay sử dụng các nguồn vốn khác để đầu tư. Quỹ đầu tư được phân thành nhiều loại khác nhau như:

+ Quỹ đầu tư dạng công ty: Quỹ phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Cơ cấu tổ

chức của quỹ này về cơ bản giống như một công ty cổ phần: đại hội cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc và các thành phần khác. Quỹ đầu tư dạng công ty phải chịu sự chi phối của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và thường hoạt động ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển.

+ Quỹ đầu tư dạng hợp đồng: Quỹ phát hành chứng chỉ quỹ để xác nhận số vốn mà nhà đầu tư góp vào quỹ. Quỹ đầu tư dạng hợp đồng bao gồm công ty quản lý quỹ, người lưu giữ tài sản của quỹ (thường do ngân hàng thương mại đảm nhận) và nhà đầu tư.

Khi phát hành chứng khoán, quỹ đầu tư được phép quảng cáo để thu hút vốn, trong đó nói rõ mục đích đầu tư của quỹ mà không được phép cam kết về lợi nhuận thu được.

b, Nhà đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân: 

Nhà đầu tư cá nhân là các cá nhân và hộ gia đình, những người có vốn nhàn rỗi tạm thời, tham gia mua bán trên thị trường chứng khoán với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong đầu tư thì lợi nhuận lại luôn gắn với rủi ro, kỳ vọng lợi nhuận càng cao thì mức độ chấp nhận rủi ro phải càng lớn và ngược lại. Chính vì vậy các nhà đầu tư cá nhân luôn phải lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp với khả năng cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của mình. Trên thực tế, căn cứ vào mức độ chấp nhận rủi ro, các nhà đầu tư cá nhân có thể được phân thành nhà đầu tư thận trọng và nhà đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư thận trọng là những nhà đầu tư cá nhân không thích rủi ro và bảo thủ khi lựa chọn phương thức đầu tư. Mục tiêu chính của họ là tìm kiếm lợi nhuận từ những chứng khoán có rủi ro thấp. Trong khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng chấp nhận các chứng khoán có tỷ lệ rủi ro cao nhưng lợi nhuận kỳ vọng lớn. Họ thường đầu tư ngắn hạn mà không đầu tư lâu dài vào bất cứ một loại chứng khoán nào.

Nhà đầu tư tổ chức: 

Nhà đầu tư có tổ chức là các định chế đầu tư, thường xuyên mua bán chứng khoán với số lượng lớn trên thị trường. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp chính trên thị trường chứng khoán là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm... Việc đầu tư thông qua các tổ chức có ưu điểm là có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài ra, các quyết định đầu tư được thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên môn và có kinh nghiệm. 

- Quỹ đầu tư: Đầu tư là hoạt động quan trọng nhất đối với một quỹ đầu tư. Các quỹ thường đầu tư rất rộng như chứng khoán, bất động sản,... Một trong những nhân tố quan trọng khiến hình thức quỹ đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư, đó là chi phí đầu tư. Sự so sánh có thể khác nhau, những nhà đầu tư vừa và nhỏ thường phải trả chi phí đầu tư nhiều hơn một quỹ đầu tư trong việc thực hiện việc mua bán chứng khoán trong một danh mục đầu tư. Lý do là chi phí giao dịch trong hầu hết các thị trường từ trước đến nay đều có liên quan chặt chẽ với quy mô giao dịch. Chi phí giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đối với các khoản mua bán nhỏ thường cao hơn nhiều vì giá trị của mỗi giao dịch họ thực hiện nhỏ hơn nhiều so với các quỹ đầu tư khi họ giao dịch với số lượng chứng khoán lớn hơn. Hoạt động của quỹ được điều chỉnh và giám sát bởi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán. 

- Ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư, kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoán nhiều hay ít là tùy thuộc vào mô hình ngân hàng đa năng hay ngân hàng chuyên doanh ở mỗi nước. Theo mô hình đa năng, các ngân hàng thương mại hoạt động với tư cách là chủ thể kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và kinh doanh tiền tệ. Mô hình này được biểu hiện dưới 2 hình thức sau: 

+ Loại đa năng một phần: Theo mô hình này các ngân hàng muốn kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm phải thành lập công ty con hạch toán độc lập và hoạt động tách rời với hoạt động kinh doanh tiền tệ. Mô hình này còn được gọi là mô hình ngân hàng kiểu Anh.

+ Loại đa năng hoàn toàn: Các ngân hàng được phép trực tiếp kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh tiền tệ cũng như các dịch vụ tài chính khác. Mô hình này còn được gọi là mô hình ngân hàng kiểu Đức. Trong khi đó, nếu theo mô hình chuyên doanh, các ngân hàng thương mại không được tham gia kinh doanh chứng khoán trên thị trường. 

- Công ty chứng khoán: Công ty chứng khoán tham gia vào thị trường với tư cách là nhà đầu tư có tổ chức thông qua nghiệp vụ tự doanh. Tự doanh là việc công ty chứng khoán tự tiến hành các giao dịch mua, ban chứng khoán cho chính mình. Công ty chứng khoán có thể thực hiện hoạt động đầu tư kiếm lời thông qua hai hình thức giao dịch: 

+ Giao dịch gián tiếp: Công ty chứng khoán đặt các lệnh mua và bán chứng khoán trên Sở giao dịch, lệnh của họ có thể thực hiện với bất kỳ khách hàng nào không được xác định trước. 

+ Giao dịch trực tiếp: Là giao dịch giữa hai công ty chứng khoán hay giữa công ty chứng khoán với một khách hàng thông qua thương lượng. Đối tượng của các giao dịch trực tiếp là các loại chứng khoán đăng ký giao dịch ở thị trường OTC. Các đối tác giao dịch thường trực tiếp thực hiện các thủ tục thanh toán và chuyển nhượng chứng khoán. Vì vậy, trong giao dịch này không có bất kỳ một loại phí nào; riêng phí thanh toán do bên hưởng thụ chịu, phí chuyển khoản chứng khoán do bên chuyển nhượng chịu. 

- Công ty bảo hiểm: Các công ty bảo hiểm sử dụng một phần phí bảo hiểm thu được nhờ bán các hợp đồng bảo hiểm để đầu tư vào các tài sản như trái phiếu, cổ phiếu, các món vay thế chấp hay các món vay khác. Từ đó, họ thanh toán cho những khiếu nại đòi bồi thường theo các hợp đồng đã bán. Thông thường các công ty bảo hiểm đầu tư vào chứng khoán hơn 40% tổng số tài sản.

c, Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán

Công ty chứng khoán:

Tùy theo mô hình ngân hàng thương mại ở mỗi nước mà khả năng và mức độ tham gia TTCK của công ty chứng khoán là khác nhau. Hoạt động cung ứng dịch vụ của công ty chứng khoán bao gồm: 

- Hoạt động môi giới chứng khoán: Là hoạt động trung gian hoặc đại diện mua, bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng. 

- Hoạt động bảo lãnh phát hành: Là việc công ty chứng khoán có chức năng bảo lãnh giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức việc phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành. 

- Hoạt động tư vấn đầu tư: Là hoạt động tư vấn cho người đầu tư về thời gian mua bán, nắm giữ giá trị của các loại chứng khoán và các diễn biến của thị trường. 

- Hoạt động quản lý danh mục đầu tư: Là một dạng nghiệp vụ tư vấn mang tính chất tổng hợp có kèm theo đầu tư, khách hàng uỷ thác tiền cho công ty chứng khoán thay mặt mình quyết định đầu tư theo một chiến lược hay những nguyên tắc đã được khách hàng chấp thuận hoặc yêu cầu. 

Tại Việt Nam, theo Quy chế tổ chức và hoạt động, các công ty chứng khoán thực hiện cung ứng các dịch vụ thông qua hoạt động môi giới, bảo lãnh phát hành, và tư vấn đầu tư

Quỹ đầu tư chứng khoán:

Là tổ chức thực hiện quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Công ty quản lý quỹ có thể được tổ chức theo hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH. Công ty quản lý quỹ do Hội đồng quản trị của quỹ thuê theo hợp đồng. Nhiệm vụ của công ty quản lý quỹ là nghiên cứu đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn đầu tư và tư vấn tài chính, qua đó hỗ trợ khách hàng tối ưu hóa các khoản đầu tư thông qua các công cụ tài chính.

Các trung gian tài chính:

Ngân hàng thương mại tham gia việc tổ chức cung ứng dịch vụ trên thị trường chứng khoán với vai trò là ngân hàng chỉ định thanh toán, ngân hàng giám sát... 

- Ngân hàng chỉ định thanh toán: Thực hiện việc thanh toán các giao dịch chứng khoán tại Sở giao dịch. 

- Ngân hàng giám sát: Bảo quản tài sản cho quỹ đầu tư, định giá tài sản, theo dõi sự tăng giảm của tài sản, đồng thời làm nhiệm vụ giám sát kiểm tra hoạt động của các công ty quản lý quỹ nhằm bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư. Đối với quỹ đầu tư hợp đồng, ngân hàng giám sát còn được gọi là ngân hàng tín thác.

d, Các tổ chức liên quan đến thị trường chứng khoán

Đây là các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý và giám sát thị trường chứng khoán được hình thành dưới nhiều mô hình tổ chức hoạt động khác nhau: do các tổ chức tự quản thành lập, trực thuộc Chính phủ hoặc có sự kết hợp quản lý giữa các tổ chức tự quản và Nhà nước. Nhưng nhìn chung, thị trường chứng khoán chịu sự quản lý và giám sát của hai nhóm chính:

- Cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK: Các cơ quan này thực hiện chức năng quản lý thông qua việc ban hành hoặc đề nghị các cơ quan cấp trên như Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật định hướng và điều tiết hoạt động của thị trường. Ngoài ra, các cơ quan này có thể sử dụng những hình thức khác để can thiệp vào thị trường trong các trường hợp cần thiết, khẩn cấp. Thông thường, các cơ quan quản lý nhà nước về TTCK gồm có: Ủy ban chứng khoán và các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Tư pháp… Trong đó Ủy ban chứng khoán là cơ quan quản lý chuyên ngành đầy đủ của nhà nước trong lĩnh vực này. Đây là cơ quan đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan để điều hành TTCK hoạt động có hiệu quả.

- Các tổ chức tự quản: Là các tổ chức hoạt động trên thị trường chứng khoán và được cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK phân cấp quản lý một số lĩnh vực trên TTCK, trên cơ sở tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức này có hai đặc điểm cơ bản là phải tự cân đối thu chi dựa vào nguồn thu từ các hoạt động trên thị trường và hoạt động nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn thị trường. Thông thường trên thị trường chứng khoán có hai hình thức tổ chức tự quản: 

+ Sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán là một pháp nhân được thành lập theo quy định pháp luật. Cơ quan này chịu trách nhiệm thực hiện tổ chức giao dịch chứng khoán đối với chứng khoán của các tổ chức phát hành đủ điều kiện niêm yết. Sở giao dịch chứng khoán thực hiện vận hành TTCK thông qua bộ máy tổ chức và hệ thống các quy định, văn bản pháp luật về giao dịch chứng khoán trên cơ sở phù hợp với các quy định của luật pháp và Ủy ban chứng khoán. 

+ Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán: Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán là tổ chức tự quản của các công ty chứng khoán và một số thành viên khác hoạt động trong ngành chứng khoán, được thành lập với mục đích bảo vệ lợi ích cho các thành viên và các nhà đầu tư trên thị trường. Hiệp hội kinh doanh chứng khoán thường là tổ chức tự quản và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chức năng cơ bản của Hiệp hội như: tập hợp các công ty chứng khoán để có tiếng nói thống nhất đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, đề xuất ý kiến, nguyện vọng của các thành viên đối với các chính sách của Chính phủ để từ đó có thể bổ sung, sửa đổi các chính sách đó nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng là đầu mối thực hiện công tác đào tạo nghiệp vụ cho các thành viên; đại diện cho các thành viên trong việc liên kết, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế về kinh phí, chương trình đào tạo. Ngoài ra, Hiệp hội có thể là tổ chức ban xây dựng, ban hành, đề ra các nguyên tắc, quy tắc, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, giám sát nội bộ, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh... Nhìn chung, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức tự quản trên thị trường chứng khoán, mặc dù có nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tổ chức khác nhau nhưng đều có mục tiêu chính là đảm bảo tính ổn định và sự phát triển của thị trường. Do đó, trong quá trình quản lý, điều hành, cần thiết phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hai tổ chức này.

Bạn đọc tìm hiểu thêm các thông tin về chứng khoán Forex Tiền ảo do Lapnghiep.Net tổng hợp tại đây

Mời quý bạn đọc theo dõi thêm các thông tin về đầu tư tại đây do Lapnghiep.Net tổng hợp


Comments